🦻 Máy trợ thính là gì mà giá của nó lại cao thế? Nó hoạt động ra sao và giúp gì cho người khiếm thính? Hãy cùng ngôi nhà kiến thức vén màn bí mật qua bài viết này nhé.
Có thể bạn quan tâm: Máy ATM là gì – Máy in 3D là gì
Máy trợ thính là gì?
Máy trợ thính là thiết bị điện tử hỗ trợ sức nghe cho tai giảm thính lực từ nhẹ đến sâu bằng cách xử lý và khuếch đại âm thanh nhận được. Máy trợ thính có tên tiếng Anh là hearing aid.
Đây là thiết bị y tế để tận dụng khả năng nghe còn lại của tai đối với người điếc từ nặng đến sâu. Bị mất thính lực từ 60 đến dưới 90 db là khoảng tối ưu cho máy trợ thính. Nếu bị điếc nặng hơn còn giải pháp cấy ốc tai điện tử.
Về cấu tạo, một máy trợ thính hiện đại cơ bản có 7 bộ phận chính bao gồm:
- Cửa pin chứa pin có kích thước như pin nút áo. Pin cung cấp năng lượng cho toàn bộ hoạt động của máy.
- Nút chuyển đổi chương trình.
- Nút điều chỉnh âm lượng
- Microphone
- Cuống máy
- Loa hay còn gọi là Receiver
- Núm tai
Đây là các bộ phận bên ngoài, còn bên trong thường chứa một mạch điện tử nhỏ đa dạng hình dáng.
Các máy trợ thính trước đây gọi là máy analog. Chức năng chủ yếu chỉ khuếch đại âm thanh và kích thước khá to. Bạn có thể thấy trong các bộ phim cổ điển. Cấu tạo ít hơn nhưng kích thước lại to hơn rất nhiều so với một máy trợ thính to nhất bây giờ.
Máy trợ thính những năm 70 là một máy cỡ Walkman đeo trước ngực, chỉ có chức năng khuếch đại chứ không xử lý âm thanh.
Máy trợ thính có những loại nào?
Có nhiều cách phân loại máy trợ thính, cách phân biệt như sau:
Theo công nghệ
- Công nghệ analog: máy to, chỉ có tác dụng khuếch đại âm thanh và bất kỳ âm thanh nào cũng khuếch đại kể cả âm ồn.
- Công nghệ kỹ thuật số: Có nhiều công nghệ phát triển kèm theo như thu hẹp vùng nghe, kết nối với thiết bị hỗ trợ không dây trong rạp hát, phòng học, hội nghị… và thậm chí xử lý âm thanh đầu vào để lọc những âm ồn, tránh hại khả năng nghe còn lại.
Theo vị trí với tai
Có khá nhiều thuật ngữ với loại theo vị trí tai.
BTE – Behind the ear:
Loại này móc ở vành sau tai. Có nhiều màu sắc để lựa chọn nhưng đa số dùng màu trung với da hoặc tóc để ít gây chú ý người xung quanh. Đây là loại thường có công suất lớn dùng cho người điếc nặng và sau.
RITE hoặc RIC – Receiver in the ear hoặc Receiver in canal:
Thực ra nó là một dạng biến thể của BTE, nhưng loa được đưa sâu vào ống tai ngoài.
ITE – In The Ear:
Là ký hiệu của dòng máy đặt trong tai, cụ thể là vành tai. Máy đặt trong vành tai và có cuống máy trong ống tai. Máy có kích thước chiếm gần hết vành tai gần lỗ tai.
ITC – In The Canal:
Cũng là một dòng máy nằm trong tai, thường nhỏ hơn 1 nửa so với dòng ITE. Có cuống máy để kéo máy ra làm vệ sinh.
CIC – Complete in canal:
Đây cũng là dòng máy siêu nhỏ, nằm gọn gần như hoàn toàn trong lỗ tai. Máy này chỉ to hơn lỗ tai chút xíu và có cọng dây cước để kéo máy ra khi không đeo.
Theo công suất
Các dạng công suất máy:
- Công suất bình thường dùng cho trường hợp mất thính lực nhẹ.
- Công suất mạnh có ký hiệu chữ P hoặc dòng máy SP (viết tắt của chữ power).
Theo quốc gia
Đa số các máy trợ thính có xuất xứ từ châu Âu. Thương hiệu nổi bật nhất và có tiếng nhất là Siemens, Signia và Phonak của Đức. Ngoài ra còn có các thương hiệu khác như Starkey của Mỹ, Bernafon của Thụy Sĩ, Widex của Đan Mạch, Oticon của Pháp, …
Các dòng máy Trung Quốc cũng có mặt trên thị trường, chất lượng ít ai kiểm soát và thường bán như một thiết bị phổ thông. Thương hiệu không có cái nào nổi bật.
Máy trợ thính giá bao nhiêu, nằm trong khoảng giá nào?
Nghe tới máy trợ thính chắc mọi người sẽ mặc định là nó rất mắc. Đúng, nó rất mắc nhưng không có nghĩa là quá xa tầm với của người thu nhập thấp.
Các dòng máy cao cấp thậm chí còn có máy dưới 5 triệu. Không phải do chất lượng thấp hơn nhưng do máy giá rẻ phù hợp với người mất thính lực nhẹ, không cần công nghệ hỗ trợ nên giá thành được giảm xuống.
Còn về mốc cao nhất hiện tại được ghi nhận là 60 triệu. Giá báo thường là giá 1 máy vì có nhiều người 2 tai mất thính lực khác nhau, nên trường hợp mua lẻ nhiều hơn mua cặp.
Cơ chế nghe của tai người hoạt động như thế nào?
Tại sao mình phải giới thiệu phần này, phần này sẽ dẫn vào mục tiêu hướng các bạn nên đi đo khám thính lực trước khi mua máy trợ thính. Vì nguyên nhân nghe kém bắt nguồn từ các yếu tố liên quan đến cơ chế nghe của tai người.
Tại sao không nên tự ý đi mua máy trợ thính?
Như clip bạn coi về cơ chế nghe của tai người, việc mất thính lực sẽ có nhiều nguyên nhân. Từ tai ngoài, tai giữa đến tai trong và dây thần kinh. Tất cả tạo thành một cơ chế nghe phức tạp. Vì thế, khi chưa rõ nguyên nhân giảm thính lực mà đi mua máy là vội vàng không cần thiết. Vì có thể bạn tăng âm lượng có thể nghe được lúc này, nhưng không đảm bảo bạn sẽ nghe được sau đó.
Và một điều quan trọng nữa, nếu mua máy hãy chọn cửa hàng có thiết bị đo và chỉnh được máy trợ thính. Như đã giới thiệu phần trên, máy trợ thính hiện đại có mạch điện tử giúp xử lý âm thanh. Nó giúp hạn chế âm ồn và tạp âm không làm hại sức nghe còn lại. Đi các cửa hàng không có máy bạn chỉ có thể chỉnh âm lượng hoặc chỉ can thiệp hạn chế.
Một máy dùng trong 3 tháng phải chỉnh lại để người đeo đạt ngưỡng nghe tốt nhất, phù hợp với hoàn cảnh, nhu cầu và môi trường sống.
Hy vọng qua bài viết Máy trợ thính là gì và những điều cần lưu ý trước khi chọn mua? đã có thể giúp bạn tìm hiểu thêm về Máy trợ thính. Cám ơn các bạn đã dành thời gian để theo dõi bài viết này. Hẹn gặp lại các bạn ở một bài viết khác nhé.
Tham khảo: http://www.quangduc.vn/may-tro-thinh-la-gi-
Thanks you nha
Không có chi! Cám ơn bạn đã quan tâm.