Tìm hiểu những thành phần có trong thỏi son môi

Trong túi đồ makeup của phái đẹp chắc chắn không thiếu được những thỏi son xinh xắn tô điểm cho bản thân. Tuy nhiên có bao nhiêu người biết được trong thỏi son có những gì? Có khi nào các chị em đã thắc mắc chưa nhỉ? Hãy cùng ngôi nhà kiến thức tìm hiểu qua bài viết này nhé.

Có thể bạn quan tâm: Son môi có hạn sử dụng không – Các màu son môi phổ thông

Những thành phần có trong thỏi son môi

Tất nhiên thì không phải thành phần trong thỏi son nào cũng giống nhau, mỗi thương hiệu đều có những công thức bí mật riêng của mình. Thành phần trung bình của son môi thường cố định theo một khuôn mẫu chung nhưng trong thực tế các thành phần có thể khác nhau giữa các loại son.

Tuy nhiên, nhìn chung thì thành phần chính trong son bao gồm những chất sau: sáp (Wax), dầu (Oil), màu khoáng (Pigment), chất bảo quản – chất chống oxy hóa (Preservatives and antioxidants) & hương liệu (Fragrance).

Các thành phần chính trong thỏi son

Sáp (Wax) – Tạo Hình Dáng Cho Thỏi Son

Đây là thành phần quan trọng nhất vì nó chịu trách nhiệm chính về cấu trúc và hình dạng của thỏi son. Các nhóm sáp có nguồn gốc từ tự nhiên thường được lựa chọn để sử dụng, trong đó sáp ong là thành phần chính.

Đồng thời lựa chọn loại sáp cũng đóng một phần rất lớn trong kết cấu của son môi và cách nó lướt trên môi chúng ta. Sáp được sử dụng thường bao gồm sự kết hợp của ba loại sáp: sáp ong, sáp Candelilla hoặc sáp Carnauba.

Sáp ong là loại phổ biến nhất được sử dụng trong việc tạo độ rắn cho son môi. Sáp ong được tiết ra bởi những con ong mật, được ong sử dụng để xây dựng những khung lục giác trong tổ ong. Sáp ong tự nhiên được thu thập bằng cách loại bỏ một phần của tổ ong, và sau đó được tinh chế lại.

Nó rất tốt trong việc cung cấp 1 lượng độ ẩm cần thiết cho đôi môi của bạn để tránh môi bị khô và nứt nẻ vì nó có tính kháng khuẩn, chống viêm, giúp khóa ẩm cho da. Sáp ong không chỉ giúp ngăn mất nước mà còn giúp giữ nước vì nó tan trong dầu, không tan trong nước. Nhiệt độ nóng chảy là 62 – 65oC. Tỉ lệ sử dụng trong son dưỡng từ 25% đến 30%.

Bee wax – sáp ong

 

Trong đó sáp Carnauba còn được gọi là sáp Brazil, là loại đắt tiền hơn các loại sáp còn lại. Vì nó thu được từ cọ Carnauba Brazil có điểm nóng chảy cao nhất ở 82-86°C (180-187°F) giúp son không bị tan chảy bởi ánh nắng mặt trời so với khi sử dụng các loại sáp khác. Nó tan chảy ở nhiệt độ cao hơn sáp ong – có nghĩa là son môi của bạn ít có khả năng chuyển thành chất lỏng trong nhiệt.

Wax màu vàng là loại wax tinh khiết nhất và vì thế nó được xếp hạng cao nhất. Sáp Carnauba được dùng như chất làm đặc không tạo gel, chất tăng độ trơn và độ ổn định trong sản phẩm, tạo kết cấu tốt và độ ổn định do điểm nóng chảy cao.

Nó tạo độ rắn và độ bóng, giúp làm tăng độ bám cho son môi. Bên cạnh đó, sáp Carnauba còn dùng như chất làm mềm, dưỡng ẩm, có trong các sản phẩm có đặc tính bảo vệ tốt cho da.

Carnauba wax

Sáp Candelilla thu được từ các cây bụi Mexico Candelilla và sáp Lanolin được tiết ra bởi các tuyến của cừu len. Mặc dù chúng chủ yếu tạo nên cấu trúc của son môi nhưng những sáp này cũng có các tác dụng khác, chúng hoạt động như các tác nhân nhũ hóa giúp liên kết với các thành phần còn lại và ảnh hưởng đến độ bóng của son.

Những loại son sử dụng các loại sáp thực vật cũng thường đắt tiền hơn các dòng son khác.

Dầu Nền (Oil) – Chất Làm Mềm Để Dưỡng Ẩm

Dầu thực vật hay còn gọi là dầu nền là một chất làm mềm tuyệt vời giúp làn da luôn mềm mại và mịn màng. Dầu nền tạo ra kết cấu son hoàn hảo và có thể cung cấp một hiệu ứng kháng khuẩn và giữ ẩm. Nó là thành phần không thể thiếu của bất cứ cây son nào vì nó là chất dưỡng ẩm cho môi, giúp môi luôn mềm mại và lướt trên môi dễ dàng hơn.

Bởi không những giúp cho đôi môi mịn màng, dầu nền còn giúp tạo độ ẩm cho môi trong những ngày hè nóng nực hay những ngày đông lạnh giá. Đồng thời dầu nền còn giúp loại bỏ đôi môi bị thâm, xỉn màu.

Dầu trong son càng nhiều thì son càng lỏng và dễ trôi, bởi vậy trong son dưỡng thường có dầu nhiều hơn so với son có màu. Dầu sử dụng trong son thường có nguồn gốc thực vật như dầu thầu dầu, dầu oliu, dầu dừa, dầu jojoba,…

Dầu Thầu Dầu (Castor Oil)

Dầu Thầu Dầu (Castor Oil) còn được gọi là dầu hải ly được chiết xuất từ hạt thầu dầu nguyên chất 100%. Nó cung cấp độ ẩm, làm mềm da, phục hồi làn da bị tổn thương, làm chậm quá trình lão hóa, giảm nếp nhăn.

Ngoài ra còn có tác dụng dưỡng tóc giảm tóc gãy rụng, kích thích mọc tóc. Làm dài và dày lông mi. Trị quầng thâm mắt, tàn nhang rất hiệu quả. Tỉ lệ sử dụng trong son là: 2-10% để giúp son môi có độ trơn láng, dễ di chuyển trên da.

Dầu Jojoba (Jojoba Oil)

Dầu Jojoba (Jojoba Oil) là một loại dầu được chiết xuất từ loài thực vật có tên khoa học là Simmondsia chinensis, một loại cây bụi thân gỗ lâu năm có hạt ăn được, được trồng chủ yếu ở các vùng sa mạc ở Tây Nam Bắc Mỹ và Tây Bắc Mexico.

Jojoba kiểm soát độ ẩm, bảo vệ và làm mềm trong son, nên nó có tác dụng dưỡng ẩm trong son dưỡng, đặc biệt dành trị môi khô và nứt nẻ. Có đặc tính nhẹ nhàng, không gây kích ứng và là loại dầu giữ ẩm rất tốt, dễ dàng hấp thụ vào da vì chất giữ ẩm có trong dầu Jojoba tạo ra rào cản chống lại sự mất nước, giúp cân bằng độ ẩm. Tỉ lệ sử dụng trong son là: 1-3% để giúp dưỡng ẩm môi.

Ngoài ra nó còn có khả năng kháng khuẩn và nấm, chống viêm, chống lão hóa da và nếp nhăn, làm bóng mượt tóc, chống oxy hoá. Là một loại dầu thẩm thấu rất nhanh, không gây bít lỗ chân lông làm se lỗ chân lông rất hiệu quả. Nó chứa rất nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin E, vitamin B, đồng, kẽm….

Màu Khoáng (Pigment) – Tạo Màu Cho Son

Các chất tạo màu hay còn gọi là màu khoáng (Pigment) là sản phẩm dạng bột với màu sắc đa dạng, được chiết xuất 100% từ các khoáng chất thiên nhiên và các chất tạo màu có nguồn gốc tự nhiên.

Màu khoáng có nguồn gốc từ nhiều lớp của khoáng đá núi lửa và các chất tạo màu tự nhiên, màu sắc tự nhiên có chứa khoáng chất tự nhiên an toàn có thể ăn được. được FDA (Cục quản lý dược và thực phẩm Mỹ) công nhận an toàn cho môi, mắt và mặt… Đạt tiêu chuẩn chất lượng làm son, từ đó nó sẽ được dùng để sản xuất son.

Màu khoáng (Pigment)

Màu khoáng tan và không tan mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong thành phần son môi nhưng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo nên màu sắc của son. Các màu khoáng không tan là các hợp chất không tan trong khi chất màu tan thường có bản chất lỏng hoặc có thể tan được.

Cách thức tạo màu cho son cũng rất đa dạng. Tuy không có hàm lượng quá cao trong thành phần của son môi những đây lại là thành phần không thể thiếu, góp phần tạo nên “vẻ đẹp” của mọi cây son. Tùy vào sắc son đậm hay nhạt mà màu sẽ được pha vào theo tỉ lệ nhất định.

Chất Bảo Quản Chất Chống Oxy Hóa (Preservatives And Antioxidants)

Chất bảo quản (preservatives) là chất từ tự nhiên hoặc tổng hợp rất cần thiết  trong các sản phẩm mỹ phẩm để ngăn chặn sự hư hỏng (sự phát triển của vi sinh vật hay thay đổi hóa học, hóa lý không mong muốn) của nó. Nếu một thỏi son không có chất bảo quản thì nó sẽ rất dễ bị biến chất nếu bị tác động của các yêu tố như nhiệt độ, độ ẩm, bụi bẩn,… Đây là một thành phần trong son môi không thể thiếu.

Chất bảo quản (preservatives)

Một số chất bảo quản thường thấy trong mỹ phẩm: Parabens, Formaldehyde, Triclosan, Phenoxyethanol, Methylisothiazolinone/ Methylchloroisothiazolinone, Acid hữu cơ, Ethanol, Benzyl alcohol, Caprylhydroxamic Acid (CHA), EDTA và Sodium Phytate.

Chất chống oxy hóa (antioxidants)

Những chất chống oxy hóa (antioxidants) là những hợp chất có khả năng phản ứng cao với khả năng ức chế hoạt động của gốc tự do, bảo vệ tế bào khỏi tình trạng oxy hóa. Nó góp phần bảo vệ da chống lại tác hại của ánh nắng mặt trời, làm dịu da và giúp chúng phục hồi các tổn thương nhanh hơn.

Một số chất chống oxy hóa có thể giúp làm đều màu da và tăng độ sáng của bề mặt da. Điều này giữ cho son môi của bạn tươi, an toàn và ngăn ngừa nó xấu đi.

Những chất chống oxy hóa quan trọng nhất như vitamin E, viatmin C, Coenzyme Q10 (CoQ10), polyphenol, chất chống oxy hóa thiol….

Hương Liệu (Fragrance)

Chất tạo mùi hay còn gọi là hương liệu từ lâu đã không còn xa lạ trong mỹ phẩm. Nó được thêm vào các sản phẩm (chủ yếu là mỹ phẩm) để cho có mùi dễ chịu và hấp dẫn hơn. Chúng có thể tạo ra một cảm giác “tự nhiên hơn”, “cá tính hơn” hoặc “sang trọng hơn”.

Đối với mĩ phẩm, hương thơm đóng một vai trò quan trọng. Ngoài việc xài có tốt hay không, chất lượng thế nào thì các cô gái đều rất quan tâm đến hương thơm của mỹ phẩm. Một mùi thơm dịu nhẹ, kích thích giác quan, tạo cảm giác thoải mái, ngất ngây sẽ rất được lòng các nàng.

Dưới đây là tỷ lệ sử dụng hương liệu thường được thấy trong các mỹ phẩm:

Hy vọng thông qua bài viết Tìm hiểu những thành phần có trong thỏi son môi đã giúp bạn tìm hiểu thêm về các thành phần thường có trong son. Cảm ơn các bạn đã dành thời gian để đọc bài viết này. Hẹn gặp lại các bạn ở 1 bài viết nhé.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang