Nhân viên tín dụng là làm gì trong ngân hàng và có phải là quan hệ khách hàng?

Khi có tin tuyển dụng, bạn sẽ để ý thấy chủ yếu là tuyển dụng cho vị trí nhân viên quan hệ khách hàng, phát triển khách hàng hay tư vấn tài chính cá nhân… Tất cả tên gọi ấy thực ra là tên gọi khác của nhân viên tín dụng ngày xưa và được thêm hoặc bớt nhiều nhiệm vụ khác. Hãy cùng Ngôi nhà kiến thức tìm hiểu qua bài viết này nhé.

Có thể bạn quan tâm: Tìm hiểu các vị trí nghề nghiệp mà ngân hàng tuyển dụng

Nhân viên tín dụng là gì và là ai?

Nhân viên tín dụng là vị trí kinh doanh trực tiếp của ngân hàng để tìm khách hàng sử dụng các dịch vụ như: cho vay, chuyển tiền, LC, ngoại hối, quản lý tài sản… Nhưng chủ yếu vẫn là tìm khách hàng cho vay.

Nhân viên tín dụng còn có tên gọi khác là Nhân viên Quan hệ khách hàng. Tên tiếng Anh thường dịch là Customer Relationship Staff hoặc Customer relationship specialist. Lý do tại sao các ngân hàng hay dùng cụm từ này mình sẽ giải thích sau.

Nhân viên tín dụng hiện nay được các ngân hàng tuyển dụng rất nhiều. Chỉ cần tốt nghiệp đại học là có thể ứng tuyển. Lý do đơn giản thôi, kỹ năng bán hàng ai cũng có thể học, kiến thức chuyên môn tài chính ai cũng học được. Các sinh viên mới ra trường dù không phải chuyên ngành tài chính – ngân hàng không khó nắm bắt kiến thức mới.

Tại sao nhân viên tín dụng được gọi là nhân viên quan hệ khách hàng?

Bạn phải tìm khách hàng có nhu cầu vay, khách hàng không có nhu cầu vay thì bạn phải gợi cho họ có nhu cầu. Việc biến khách hàng tiềm năng thành khách hàng cần quá trình chăm sóc và theo dõi lâu dài. Thậm chí với khách hàng cũ, bạn cũng cần thường xuyên theo dõi tiến độ trả nợ của họ. Vì thế, nhân viên tín dụng bây giờ đa năng hơn trước đây, không chỉ còn là chờ khách tới vay.

Ở một vài ngân hàng, nhân viên quan hệ khách hàng còn có nhiệm vụ thẩm định sơ bộ tình trạng khách hàng. Và có thể được duyệt nhanh chóng nếu hạn mức vay cho phép.

Với nhiệm vụ đa năng và thường xuyên di chuyển, vị trí này thường tuyển nam giới.

Nhân viên tín dụng hay quan hệ khách hàng thường làm gì?

Tìm kiếm và chăm sóc khách hàng là nhiệm vụ chính. Nhiệm vụ thật không dễ dàng vì nó có giá trị cao và đánh giá kỹ lưỡng.

Thực ra khởi nghiệp kinh doanh, sản xuất không phải lúc nào dòng tiền cũng đầy đủ. Trừ khi doanh nghiệp đó quá thừa tiền mặt. Mà chắc chỉ có Apple thôi, còn lại công ty nào cũng tái đầu tư liên tục. Việc thiếu vốn thường xảy ra như định luật hiển nhiên. Bạn đừng quá ngạc nhiên!

Việc khơi gợi nhu cầu hay nắm bắt thời điểm cần vốn sẽ là kỹ năng bạn sẽ được học và thực hành khi tham gia đội ngũ nhân viên tín dụng hay quan hệ khách hàng.

Đối với những bạn ngoài khối kinh tế và tài chính – ngân hàng, các bạn sẽ nắm được quy trình duyệt hồ sơ vay, dịch vụ ngân hàng, kỹ năng phân tích, thẩm định… Nói chung, đây là vị trí được đào tạo nhiều nhất, số lượng đông nhất và cũng đào thải nhanh nhất nếu không đạt chỉ tiêu.

Bạn đừng lo quá, rủi ro cao thì phần thưởng ngọt ngào. Bạn hoàn thành chỉ tiêu con đường ở lại với nghề cao và bạn có cơ hội thăng tiến. Tuy nhiên, cũng có vài điều bạn nên cân nhắc trước khi ứng tuyển vị trí này.

Những điều quan trọng nên biết của nghề nhân viên tín dụng ngân hàng

  • Nghề này áp lực cao không thua gì bán hàng, nhưng cũng không đến nỗi chết đói. Vì ít ra vị trí này có lương cơ bản tốt hơn so với nhân viên bán hàng các ngành khác.
  • Chỉ tiêu tùy ngân hàng đặt ra, nhưng bạn sẽ hơi shock nếu biết được con số chỉ tiêu đó. Đa phần thuộc hàng tỷ.
  • Việc nhận tiền của khách sau giải ngân tất cả ngân hàng đều cấm. Bạn muốn làm giàu bằng cách này nên cân nhắc lại.
  • Mọi gian lận đều có thể đưa bạn đến án hình sự vì liên quan đến tiền và giá trị thường vượt con số quy định nhiều lần.
  • Sở hữu khách hàng vay tốt, trả nợ đúng hạn, giá trị vay lớn là cơ sở giúp bạn thăng tiến nhanh đến bất kỳ vị trí nào bạn muốn. Khung tham chiều cơ bản như sau: 50 tỷ trưởng phòng giao dịch, 100 tỷ có thể làm giám đốc chi nhánh, 1000 tỷ có thể làm phó tổng giám đốc ngân hàng.
  • Bạn có thể bị chuyển qua xử lý nợ nếu khách hàng xù nợ quá nhiều hoặc tỷ lệ nợ xấu cao. Thậm chí, việc xin nghỉ cũng khó khăn vì phải ký cam kết quay lại hỗ trợ kiện tụng hoặc pháp lý khi ngân hàng cần.

Hy vọng qua bài viết Nhân viên tín dụng là làm gì trong ngân hàng và có phải là quan hệ khách hàng đã giúp các bạn hiểu thêm về các nhân viên quan hệ khách hàng hay nhân viên tín dụng trong ngân hàng. Hẹn gặp lại các bạn ở bài viết kế tiếp nhé.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang