Ngân hàng là loại hình doanh nghiệp đặc biệt, vì thế các chức danh nghề nghiệp tuy cũng giống nhưng cũng có vài đặc thù riêng. Hãy cùng Ngôi nhà kiến thức tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Các nghề nghiệp tại ngân hàng là gì?
Làm ngân hàng người bình thường hay liên tưởng tới nhân viên tín dụng. Và câu hỏi ngớ ngẩn khi nghe một ai làm ngân hàng là: Cho tao vay tiền được không?
Như ta đã biết từ bài Ngân hàng là gì, Ngân hàng là tổ chức có bộ máy phức tạp và chặt chẽ. Có nhiều vị trí tuyển dụng tại ngân hàng, không phải chỉ có nghề tín dụng mà cò có: giao dịch viên, thẩm định, pháp chế, nhân sự, marketing, dịch vụ thẻ ngân hàng, nhân viên IT…
Hãy thử tìm hiểu từng vị trí ngành nghề tại ngân hàng dưới đây, để biết rằng làm ngân hàng không phải chỉ duyệt cho vay tiền, và đừng hỏi những câu ngớ ngẩn như:
- Làm sao để tao vay được tiền làm ăn?
- Cho tao vay mấy tỷ được không?
- Vay tiền ngân hàng mày khó không?
- …
Các vị trí công việc ngân hàng thường tuyển dụng
Để dễ theo dõi, chúng ta chia các vị trí tuyển dụng thành những lĩnh vực phổ biến như sau:
Lĩnh vực tài chính – ngân hàng
Nhân viên tín dụng/Quan hệ khách hàng
Nhân viên tín dụng/Quan hệ khách hàng là vị trí được tuyển dụng nhiều nhất, biến động nhất và trình độ cao nhất. Nhân viên vừa phải giữ khách hàng vay cũ, khuyến khích vay thêm và phải bảo đảm họ trả nợ đúng hạn.
Vị trí này nếu làm tốt bạn dễ thăng tiến tại ngân hàng. Nhưng do tính chất kinh doanh có nhiều rủi ro, nên không đạt chỉ tiêu bạn có thể phải ra đi. Công việc này không đòi hỏi bạn phải tốt nghiệp đúng chuyên ngành. Bạn có máu kinh doanh và yêu tài chính là có thể ứng tuyển.
Giao dịch viên/Dịch vụ khách hàng
Giao dịch viên/Dịch vụ khách hàng là vị trí nữ giới chiếm đa số. Bộ mặt của chính ngân hàng là ở đây. Vị trí này chỉ cần bạn có trình độ Cao đẳng, không phân biệt ngành, giao tiếp khéo léo, gương mặt thân thiện và ngoại hình vừa đủ chuẩn.
Đây có thể nói là các cô gái mà các cánh mày râu hằng mơ ước vì vừa có trình độ lại đẹp. Và đừng coi thường trình độ dùng máy tính của các cô. Vì các cô ngoài kiến thức về nghiệp vụ ngân hàng còn biết sử dụng máy tính tốt để thực hiện giao dịch.
Nhân viên phụ trách giao dịch liên ngân hàng
Nhân viên phụ trách giao dịch liên ngân hàng, vị trí này thì bạn sẽ không thấy người này ngồi quầy. Họ thường chuyên trách các khoản tiền giao dịch giữa các ngân hàng với nhau. Đây là một vị trí đòi hỏi trình độ chuyên môn cao hơn. Ngoại hình có thể tạm nhưng kiến thức tài chính hay ngân hàng phải tốt.
Nhân viên thẩm định
Vị trí này có nhiều công việc thẩm định như: hồ sơ vay, tài sản thế chấp, lịch sử giao dịch của khách hàng, hoạt động kinh doanh… để quyết định có cho khách hàng thực hiện khoản vay hay không. Đây là vị trí hay có mâu thuẫn với quan hệ khách hàng nhất.
Nhân viên đánh giá rủi ro
Theo cơ cấu phổ biến, đây là nhân viên quyết định đề xuất mức vay cho khách hàng. Đánh giá mức độ rủi ro với thang điểm được thiết kế đặc trưng.
Ngoài ra cũng là bộ phận tư vấn cho lãnh đạo những rủi ro gặp phải khi thực hiện việc cho vay, đầu tư hoặc quyết định về lợi nhuận. Ngân hàng lớn có thể chia ra 2 lĩnh vực con là: đánh giá rủi ro tín dụng và đánh giá rủi ro phi tín dụng.
Nhân viên thu hồi nợ/xử lý nợ
Nhân viên thu hồi nợ/xử lý nợ đây là vị trí khá chát nếu không muốn nói là đắng lòng và mề. Thu hồi và xử lý nợ là công việc ai cũng sợ vì nhiêu khê về thủ tục và thời gian. Nhưng đừng coi thường vị trí này, vì bạn cần có kiến thức luật và ngân hàng mới có thể làm tốt vị trí này.
Lĩnh vực dịch vụ ngân hàng khác
Nhân viên chuyển tiền
Nhân viên chuyển tiền là người gác cổng cho các giao dịch tiền tệ đến và đi vào ngân hàng.
Nhân viên kho quỹ
Nhân viên kho quỹ đây là vị trí bạn sẽ biết được khách nào đang cất giữ tài sản quý giá gì. Và hiểu được quy trình vận hành nguồn tiền giữa các điểm giao dịch ngân hàng sao cho cân đối và hiệu quả. Người gác đền cho dịch vụ giữ họ là đây.
Nhân viên dịch vụ kiều hối
Đây là vị trí chuyên trách việc giao dịch kiều hối từ ngoài nước gửi về cho thân nhân tại Việt Nam. Các ngân hàng tại Việt Nam thường làm đại lý cho các công ty lớn như Western Union, Money Gram, Xpress money hay tự mở công ty kiều hối riêng.
Western Union là dịch vụ kiều hối phổ biến tại Việt Nam
Lĩnh vực kế toán – kiểm toán
Kế toán trưởng là người đứng đầu phòng kế toán, người này bạn sẽ dễ thấy mặt trong các Báo cáo thường niên cho Ủy ban chứng khoán. Tùy khối lượng sổ sách và lĩnh vực quản lý, phòng kế toán còn phân nhỏ các công việc như sau:
Kế toán tổng hợp
Kế toán kho
Kế toán tài sản
Kế toán tài chính
Kế toán tài chính thực hiện nghiệp vụ kế toán theo quy định của nhà nước.
Kế toán quản trị
Ở vị trí này thì lãi thực và lỗ thực chỉ nhân viên này biết.
Kiểm toán nội bộ
Các công việc này bình thường cũng có ở công ty khác, nhưng ở ngân hàng tùy quy mô mà khối lượng công việc nhiều hoặc ít.
Lĩnh vực hành chính – nhân sự
Nhân viên hành chính
Vị trí này quản lý hành chính, giấy tờ, các công việc hậu kỳ không liên quan đến kinh doanh.
Nhân viên quản lý tài sản
Nhân viên quản lý tài sản đảm bảo tài sản hoạt động ổn định và thay thế khi có yêu cầu. Vị trí này cần phải biết kỹ thuật về điện, nước, xây dựng…
Nhân viên tuyển dụng
Nhân viên quản lý nhân sự
Nhân viên đào tạo
Bảo vệ
Tạp vụ
Tài xế
Lĩnh vực pháp chế
Pháp chế là viết tắt của Pháp luật và chế tài. Nghe hơi lạ nhưng một tổ chức lớn mà không ai tuân thủ luật lệ chắc sẽ tan nát. Nhân viên Pháp chế thường được tuyển dụng từ Đại học Luật hoặc chuyên ngành luật.
Họ là người quản lý toàn bộ quy trình, nguyên tắc, hợp đồng, cam kết, khởi kiện, đại diện hầu tòa… của ngân hàng.
Nhân viên pháp chế cũng sẽ theo dõi các hoạt động khác trong ngân hàng để xem có vi phạm pháp luật hay không. Đôi khi, họ cũng giám sát cả đối thủ để xem họ có vi phạm hay không. Và đương nhiên, việc tố cáo này để cản đường đối thủ không phải xấu xa gì. Nó chỉ giúp cho hoạt động của ngành tuân thủ pháp luật hơn để hạn chế rủi ro.
Phòng ban thường có tên là Pháp chế hay Pháp chế và tuân thủ.
Lĩnh vực marketing – kinh doanh
Nhân viên marketing/truyền thông
Vị trí này đa phần là phụ trách marketing hay truyền thông cho sản phẩm của cá nhân hay doanh nghiệp. Và nói ra sợ các bạn buồn, vị trí này đòi hỏi khả năng quản lý nhiều hơn là sáng tạo. Hoạt động chủ yếu cho POSM hoặc khuyến mãi.
Nhân viên PR
Vị trí này thực hiện những công việc liên quan đến PR. Tìm hiểu PR là gì
Nhân viên truyền thông nội bộ
Nhân viên quản lý mạng lưới: thực sự giống như lo mảng P3 của marketing. Quản lý và phát triển mạng lưới kinh doanh hay Điểm giao dịch của Ngân hàng.
Tìm hiểu Điểm giao dịch của Ngân hàng là gì?
Nhân viên thiết kế/tổ chức sự kiện/admin
Ở vị trí này với ngân hàng nhỏ thì sẽ thuê ngoài. Còn ngân hàng lớn cho chuyên trách thì sẽ có những vị trí nhân viên chính thức.
Lĩnh vực Dịch vụ thẻ ngân hàng
Các ngân hàng tổ chức thành 1 trung tâm, nó như là đơn vị kinh doanh trực thuộc, ngang hàng với chi nhánh tại các tỉnh/thành. Tên thường gọi là Trung tâm thẻ hay Trung tâm dịch vụ thẻ. Các vị trí thường thấy là:
Nhân viên dịch vụ
Nhân viên ở vị trí này sẽ tư vấn, giải quyết khiếu nại cho khách hàng về dịch vụ thẻ.
Nhân viên kinh doanh/Quan hệ khách hàng
Vị trí này sẽ đi tìm khách hàng doanh nghiệp mở thẻ ATM số lượng lớn, thẻ tín dụng hoặc ghi nợ quốc tế, chào bán dịch vụ thẻ khác.
Nhân viên hành chính – tổng hợp
Vị trí này phụ trách quản lý hậu trường cho Trung tâm thẻ.
Lĩnh vực Công nghệ thông tin (IT)
Cũng được tổ chức thành 1 trung tâm độc lập, tên thường gọi là Khối Công nghệ, Trung tâm IT, Trung tâm CNTT… Các công việc phụ trách dưới đây thường sẽ tương ứng với 1 phòng ban. Khi có yêu cầu từ đơn vị họ sẽ thực hiện theo yêu cầu đó.
Phụ trách phần cứng/hệ thống
Phụ trách phần mềm/website
Phụ trách hệ thống ngân hàng lõi/core banking
Phụ trách hệ thống máy ATM
Phụ trách quản lý hành chính, nhân sự
Các dịch vụ liên quan đến công nghệ như: SMS banking, Mobile banking, Internet banking, Phone banking… đều phụ thuộc vào sự quản lý và vận hành chính từ đây.
Các vị trí quản lý chủ chốt
Hội đồng quản trị
Hội đồng quản trị do chính Đại hội cổ đông bầu ra, vị trí này chỉ có đề cử chứ không có tuyển dụng theo quy trình thông thường.
Ban Tổng Giám đốc
Vị trí Tổng Giám đốc khá phức tạp vì phải có sự chấp thuận của NHNN (SBV). Còn vị trí Phó Tổng thì do bổ nhiệm hoặc có thể tuyển dụng, nhưng phải tuyển bằng quan hệ sẵn có, khó tuyển công khai.
Ban Kiểm soát
Cũng do đại hội cổ đông quyết định.
Lãnh đạo/giám đốc tại các địa phương
Vị trí này thường do Ban Tổng Giám đốc quyết định bổ nhiệm và tuyển dụng.
Lãnh đạo tại các Trung tâm trực thuộc
Thuộc quyền bổ nhiệm và tuyển dụng của Ban Tổng Giám đốc.
Hy vọng qua bài viết Tìm hiểu các vị trí nghề nghiệp mà ngân hàng tuyển dụng là gì? đã giúp các bạn hiểu thêm về các chức danh nghề nghiệp trong ngân hàng. Hẹn gặp lại các bạn ở bài viết Tìm hiểu CVV – CVV2 – CVC – CVC2 – CID – CAV – CAV2 trên thẻ là gì nhé.